Thách thức và rào cản
Công cuộc xây dựng môi trường văn hóa tại Thủ đô Hà Nội thời gian qua đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực, song thực tế vẫn tồn tại không ít những “điểm nghẽn”. Một số giá trị văn hóa truyền thống đang bị mai một hoặc biến tướng, hành vi ứng xử trong cộng đồng còn nhiều lệch chuẩn, hệ thống thiết chế văn hóa bất cập, trong khi sản phẩm văn hóa lại thiếu bản sắc, chưa tạo được dấu ấn riêng. Một trong những tồn tại đáng chú ý là sự mai một của nhiều phong tục, tập quán. Không ít nơi đã đơn giản hóa hoặc thương mại hóa các nghi thức, làm phai nhạt tính thiêng và chiều sâu văn hóa. Môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống bị ảnh hưởng và biến đổi đáng kể. Điều này cho thấy công tác bảo tồn văn hóa chưa theo kịp với tốc độ đô thị hóa và thay đổi trong lối sống hiện đại.
Những chủ nhân tương lai của Hà Nội
Bên cạnh đó, tình trạng lệch chuẩn trong ứng xử nơi công cộng ngày càng phổ biến. Hà Nội đã ban hành 2 Bộ Quy tắc ứng xử tại nơi công cộng và nơi làm việc song hiệu quả triển khai còn hạn chế. Nhiều hành vi như nói tục, vứt rác bừa bãi, vượt đèn đỏ... vẫn thường xuyên diễn ra. Chỉ thị 30 của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” đã chỉ rõ, việc thực hiện hai quy tắc ứng xử, đặc biệt là ứng xử nơi công cộng vẫn chưa có chuyển biến mạnh mẽ. Hoạt động phát triển sản phẩm và dịch vụ văn hóa cũng chưa tạo được dấu ấn riêng. Nhiều chương trình nghệ thuật trùng lặp về nội dung, thiếu chiều sâu và chưa gắn kết với đời sống cộng đồng. Không ít làng nghề truyền thống vẫn loay hoay trong việc tạo ra các sản phẩm biểu trưng mang đậm bản sắc văn hóa. Trong khi đó, du lịch văn hóa chưa phát huy được thế mạnh vốn có, chưa thực sự trở thành cầu nối giữa bảo tồn và phát triển.
Hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn thành phố cũng bộc lộ nhiều bất cập. Ở nhiều xã ở vùng ngoại thành còn thiếu cơ sở vật chất, thiết chế xuống cấp, hoạt động hình thức hoặc không đúng mục đích. Việc khai thác, sử dụng thiết chế văn hóa còn gặp khó khăn do chưa có quy định thống nhất, cụ thể. Không gian công cộng và cảnh quan đô thị ở một số khu vực còn đơn điệu, thiếu điểm nhấn văn hóa. Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm mặt bằng sinh hoạt cộng đồng vẫn diễn ra, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và làm giảm sức hấp dẫn về mặt thẩm mỹ, tinh thần.
Chỉ thị 30-CT/TU của Thành ủy Hà Nội nhận định, so với yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đi vào thực chất, bền vững, còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém. Trong đó, một nguyên nhân nền tảng được chỉ rõ là một số cấp ủy đảng, chính quyền, trước hết là người đứng đầu, còn xem nhẹ giá trị văn hóa, giá trị con người Hà Nội trong phát triển mọi mặt đời sống xã hội. Hệ quả của tư duy phát triển thiên lệch là sự phá vỡ không gian kiến trúc, xâm hại di sản văn hóa, biến dạng cảnh quan đô thị và nông thôn. Đồng thời, những hành vi ứng xử thiếu văn hóa với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội; biểu hiện lệch lạc trong văn hóa gia đình, học đường, nơi công cộng; lối sống hưởng thụ, sùng bái đồng tiền, buông thả, không chú trọng xây dựng thế hệ tương lai; tình trạng suy thoái đạo đức, đặc biệt trong một bộ phận cán bộ, đảng viên… đang từng bước làm mai một vẻ đẹp thanh lịch, hào hoa của người Hà Nội.
Bên cạnh các yếu tố khách quan như tác động của mặt trái cơ chế thị trường, ảnh hưởng từ văn hóa ngoại lai, sự bùng nổ mạng xã hội và gia tăng dân số cơ học, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu. Việc tổ chức, triển khai các văn bản chỉ đạo chưa quyết liệt, thiếu kiểm tra, giám sát thường xuyên; chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong giáo dục thẩm mỹ, lối sống, nhân cách còn lỏng lẻo. Một bộ phận người dân chưa thực sự đề cao giá trị văn hóa, chưa coi trọng tính nhân văn - những yếu tố cốt lõi trong việc định hình bản sắc con người Hà Nội thời kỳ mới.
Cần sự chung sức đồng lòng
Trước những thách thức đang đặt ra, Thành phố Hà Nội đã và đang từng bước triển khai các giải pháp đồng bộ, hướng tới việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiên tiến, phù hợp với bản sắc Thăng Long - Hà Nội và yêu cầu của một đô thị hiện đại. Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố xác định rõ một trong hai khâu đột phá là: “Phát triển toàn diện văn hóa Thủ đô, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Thành phố cũng đã ban hành nhiều văn bản quan trọng như: Chương trình số 06-CTr/TU (2021 - 2025) về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025”; Kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030; Nghị quyết 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045” và mới đây là Chỉ thị số 30-CT/TU 30-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Đây là cơ sở để các cấp, ngành cụ thể hóa thành hành động phù hợp với từng địa bàn, từng nhóm đối tượng, tránh hình thức, phong trào.

Trái tim của Thủ đô.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Thức - nguyên Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương, xây dựng môi trường văn hóa cần bắt đầu từ việc xây dựng con người. Ông nhấn mạnh: “Môi trường gia đình, xã hội giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách. Cần có nhiều hoạt động thiết thực đề cao vai trò của gia đình, phát huy truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Môi trường văn hóa chỉ thực sự lành mạnh khi các giá trị xã hội chuẩn mực được bảo đảm. Cái đúng, cái tốt, cái anh hùng phải thắng thế, trở thành tấm gương để cộng đồng hướng tới tiến bộ”.
Để xây dựng môi trường văn hóa Thủ đô thực sự lành mạnh và bền vững, cần đẩy mạnh việc bảo tồn và phát huy phong tục, tập quán truyền thống; xây dựng đạo đức, lối sống, quy tắc ứng xử; phát triển sản phẩm, dịch vụ và hoạt động văn hóa; đầu tư cho hệ thống thiết chế văn hóa; phát triển cảnh quan đô thị mang bản sắc riêng...
Từ góc nhìn về không gian lễ hội truyền thống PGS.TS Trần Thị An - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội cho rằng “Khó khăn lớn nhất của việc triển khai nếp sống văn minh trong các lễ hội tại Hà Nội là việc hài hòa được tính thiêng với tính thế tục, việc truyền tải được các lớp nghĩa văn hóa được tích tụ lâu đời đến người tham gia lễ hội, từ đó nâng cao nhận thức và ý thức của người tham gia lễ hội. Bên cạnh đó, các ứng xử làm ô nhiễm môi trường chung như ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm vì rác thải... cũng là những hành vi cần được chấn chỉnh để tạo nên một môi trường thanh sạch để các giá trị truyền thống được chuyển tải và lan tỏa một cách hiệu quả nhất tới các không gian lễ hội hiện nay.
Giáo dục văn hóa cần được duy trì thường xuyên, đa dạng thông qua truyền thông, nhà trường, đoàn thể... Việc phổ biến hai bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng và trong cơ quan, đơn vị hành chính cần tiếp tục được đẩy mạnh, gắn với các cuộc thi, diễn đàn, hoạt động truyền thông nhằm lan tỏa hành vi đẹp, người tốt việc tốt. Một hướng đi cần thiết là phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể, hội nghề nghiệp, tổ dân phố trong triển khai các mô hình văn hóa tại cơ sở. Thành phố cần quan tâm tới việc xây dựng Quỹ phát triển môi trường văn hóa, hỗ trợ các sáng kiến cộng đồng, tạo điều kiện cho giới văn nghệ sĩ sáng tác, biểu diễn, truyền cảm hứng sống đẹp. Các mô hình như “không gian văn hóa sáng tạo”, “phố đi bộ”, “khu dân cư văn hóa” cần được nhân rộng gắn với hệ tiêu chí cụ thể để tránh hình thức. Việc kết nối cộng đồng sáng tạo, nhóm sở thích, hoạt động nghệ thuật là rất cần thiết.
Luật Thủ đô, Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2045 là những nền tảng pháp lý quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho Hà Nội quy hoạch không gian văn hóa, thiết kế môi trường sống hài hòa giữa hiện đại và truyền thống. Đây cũng chính là điểm tựa để Hà Nội xây dựng môi trường văn hóa phát triển đồng bộ, gắn kết giữa bảo tồn giá trị truyền thống với đổi mới sáng tạo, từ đó hình thành không gian sống giàu bản sắc, nhân văn và hiện đại.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên chuyên trách, Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, xây dựng môi trường văn hóa là một công việc hết sức khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự kiên nhẫn, thận trọng. So với các hoạt động kinh tế - xã hội khác, để thấy được hiệu quả từ các hoạt động văn hóa, đòi hỏi cần có nhiều thời gian để kết tinh, lắng đọng. Nhưng khi đã kết tinh, lắng đọng rồi thì những giá trị văn hóa sẽ tạo nên sức mạnh cho dân tộc. Chúng ta chỉ mất 5 đến 10 năm để xây dựng một thành phố hiện đại nhưng phải mất 10 đến 20 năm, thậm chí lâu hơn nữa để hình thành lối sống văn minh cho đô thị đó. Nhưng như Bác Hồ đã nói “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, việc xây dựng văn hóa, con người luôn phải được xem trọng và coi là mục đích của sự phát triển đất nước”.
Xây dựng môi trường văn hóa Thủ đô là nhiệm vụ chiến lược, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ của các cấp, ngành và toàn xã hội. Việc triển khai hiệu quả các giải pháp nêu trên không chỉ góp phần khắc phục những điểm nghẽn hiện tại, mà còn từng bước kiến tạo môi trường văn hóa lành mạnh, nhân văn, hiện đại, xứng đáng với vị thế và kỳ vọng về một Thủ đô tiêu biểu trong phát triển văn hóa và con người Việt Nam./.
Quốc Tuấn (Theo Tạp chí Người Hà Nội Nội)