Hà Nội tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống mua bán người (Ảnh minh họa)
Tăng cường truyền thông, siết chặt kiểm soát
Với chủ đề “Mua bán người là tội phạm có tổ chức – Hãy chấm dứt sự bóc lột”, Kế hoạch nhấn mạnh mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng, tập trung vào các hình thức lừa đảo đưa người đi lao động trái phép và các hành vi mua bán người trong nội địa.
Thành phố sẽ đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật phòng, chống mua bán người trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức tọa đàm, phát sóng phim tài liệu, truyền hình thực tế. Lồng ghép nội dung tuyên truyền trong các chương trình văn hóa – giáo dục – y tế – du lịch. Tăng cường điều tra, xử lý nghiêm tội phạm, đặc biệt trong đợt cao điểm từ 1/7 đến 30/9/2025.
UBND TP. Hà Nội phân công cụ thể trách nhiệm cho các sở, ngành và địa phương như sau: Công an TP. Hà Nội chủ trì điều tra, xử lý tội phạm mua bán người; cung cấp thông tin, tổ chức tuyên truyền và thống kê nạn nhân. Sở Y tế tổ chức tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân – đặc biệt là trẻ em. Sở Giáo dục & Đào tạo: Đẩy mạnh giáo dục pháp luật cho học sinh – sinh viên. Sở Văn hóa & Thể thao: Phối hợp các cơ quan truyền thông tuyên truyền trên diện rộng. Sở Tư pháp: Tăng cường phổ biến Luật Phòng, chống mua bán người năm 2024. Sở Du lịch: Kiểm tra, giám sát cơ sở lưu trú có dấu hiệu lợi dụng du lịch để vi phạm. UBND quận, huyện, xã, phường chủ động xây dựng kế hoạch truyền thông tại địa phương, thống kê nạn nhân và hỗ trợ tái hòa nhập.
Hướng đến một thành phố an toàn – nhân văn
Để triển khai Luật Phòng, chống mua bán người năm 2024, thành phố yêu cầu các đơn vị: Rà soát toàn bộ các văn bản pháp luật có liên quan. Đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế cho phù hợp với luật mới. Tổ chức tập huấn, phổ biến nội dung luật đến cán bộ thực thi, bao gồm cả Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, Bộ Tư lệnh Thủ đô và các cơ quan liên quan. Thông tin chi tiết, tài liệu pháp luật sẽ được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử và các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, đảm bảo người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng.
Cùng với đó, Hà Nội xác định ứng dụng công nghệ số là công cụ hỗ trợ hiệu quả trong tuyên truyền pháp luật. Các nội dung sẽ được chuyển tải qua mạng xã hội, nền tảng số, các ứng dụng pháp lý và kênh truyền thông số hóa để mở rộng phạm vi tiếp cận đến cộng đồng, đặc biệt là nhóm người yếu thế, có nguy cơ trở thành nạn nhân.
Thông qua việc triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp, Hà Nội khẳng định cam kết bảo vệ quyền con người, phòng ngừa và ngăn chặn mọi hình thức mua bán người, hướng đến mục tiêu xây dựng một thành phố an toàn, phát triển bền vững và văn minh.
Minh Quang (Theo Tạp chí ĐT TH&CL)