Đúng như Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta chuyển trạng thái từ "Vừa chạy, vừa xếp hàng" sang "Hàng thẳng, lối thông, đồng lòng cùng tiến". Bối cảnh mới này tiếp tục đặt ra yêu cầu rất cao đối với đội ngũ cán bộ cấp xã, phường nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao và quan trọng hơn là gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại điểm phục vụ hành chính công phường Phú Lương
1. Khi đánh giá về quá trình vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp từ ngày 1-7-2025, một trong những vấn đề trọng yếu được Trung ương rất quan tâm là đội ngũ cán bộ. Theo đó, tại Hội nghị lần thứ mười hai, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã chỉ ra 3 ưu điểm lớn: Bộ máy cơ bản vận hành tốt, không có trục trặc lớn, cán bộ, công chức bước đầu thích ứng; quy trình xử lý công việc tương đối thông suốt, dịch vụ công được giải quyết nhanh hơn; nhân dân bày tỏ sự đồng tình và kỳ vọng mô hình mới sẽ hiệu quả hơn.
Đặc biệt, Trung ương đưa ra 4 lưu ý: Cần tiếp tục hoàn thiện các quy định hướng dẫn, xây dựng quy trình nghiệp vụ liên thông; kịp thời điều chỉnh những bất cập trong phân công, phân cấp nhiệm vụ; nâng cao chất lượng đào tạo lại, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là ở cấp xã; tăng cường giám sát, kiểm tra, đánh giá định kỳ hiệu quả vận hành của mô hình.
Vấn đề nổi bật trong những lưu ý kể trên là Trung ương đặc biệt quan tâm đến chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp xã - những hạt nhân bảo đảm chính quyền cơ sở hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nhìn nhận trên mọi phương diện, đây là yêu cầu tất yếu để vận hành hiệu quả hệ thống chính quyền cấp xã khi đã chuyển sang trạng thái “Hàng thẳng, lối thông, đồng lòng cùng tiến”.
Thứ nhất , chính quyền cấp xã hiện nay được trao quyền rất lớn và vận hành theo nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Cụ thể hơn, hiện hầu hết các nhiệm vụ của cấp huyện trước đây được chuyển về cấp xã, cho thấy việc phân cấp, phân quyền rất mạnh mẽ. Nhiệm vụ nhiều hơn chắc chắn trách nhiệm cao hơn. Bởi vậy, vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp xã hiện nay đã khác trước rất nhiều. Yêu cầu rõ ràng cao hơn, đòi hỏi mỗi người ở cương vị công tác trong bộ máy ấy cần nhận thức điều này để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ nhằm đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới.
Thứ hai , việc vận hành chính quyền địa phương 2 cấp đã giảm thiểu các tầng nấc trung gian, tạo nên trục thông suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo từ Trung ương tới địa phương. Thực tế hoạt động hơn 3 tuần qua ở cấp cơ sở cho thấy, các chỉ đạo từ Trung ương và cấp tỉnh đã nhanh chóng “thấm” xuống cơ sở và từng người dân. Gần đây nhất là những chỉ đạo thường xuyên, liên tục của Trung ương về chủ động ứng phó bão số 3 (Wipha) đã được chính quyền cấp tỉnh và cấp xã, phường, đặc khu trong diện ảnh hưởng triển khai ngay trên thực địa. Nhờ vậy, chính quyền các xã, phường, đặc khu và người dân các địa phương đã rất chủ động, đồng lòng trong phòng, chống mưa bão, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.
Phân tích như vậy để thấy, việc giảm tầng nấc trung gian đòi hỏi chính quyền cơ sở, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, phải luôn phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với công việc được giao trên địa bàn; đặc biệt cần xử lý nhanh chóng, hiệu quả những việc phát sinh, vấn đề nóng, dân sinh bức xúc. Nói cách khác, dù công việc bề bộn hơn trước, nhưng đội ngũ cán bộ cấp xã phải luôn quán triệt tinh thần không để gián đoạn công việc, không để người dân phải chờ đợi, đi lại nhiều lần khi giải quyết thủ tục hành chính.
Thứ ba , chính quyền xã, phường, đặc khu hiện nay là bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực. Theo đó, tổ chức bộ máy chính quyền cấp xã có điểm mới tiến bộ là xóa tư duy “ở Trung ương có bộ, ngành nào thì địa phương có đơn vị tương tự”. Do vậy, các phòng, ban, ngành tại chính quyền cấp xã hiện đang đảm trách nhiều nhiệm vụ ở các lĩnh vực khác nhau. Ví dụ, Phòng Văn hóa - Xã hội sẽ tham mưu, giúp việc UBND cấp xã toàn bộ lĩnh vực văn hóa, xã hội như giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, an toàn thực phẩm, bảo hiểm, phòng chống tệ nạn xã hội... Thực tế này buộc cán bộ, công chức, viên chức công tác trong từng phòng, ban phải không ngừng học hỏi, tự trau dồi, rèn luyện để nâng cao năng lực thực thi công vụ không chỉ ở một lĩnh vực.
2. Cùng với cả nước, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức 126 xã, phường của Thủ đô Hà Nội trong hơn 3 tuần qua đã thể hiện tinh thần quyết tâm, đồng lòng, trách nhiệm cao trong vận hành mô hình chính quyền mới.
Kết quả nổi bật là một khối lượng công việc rất lớn đã được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của 126 xã, phường hoàn thành. Cụ thể, hơn 600 nghị quyết HĐND xã, phường được thông qua, trong đó có kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách địa phương, tạo nền tảng cho giai đoạn ổn định lâu dài của mỗi địa phương. Cùng với đó, gần 12.000 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo đã được ban hành ở cơ sở; hơn 270 hội nghị quán triệt nghị quyết được tổ chức, với hơn 20.000 cán bộ, đảng viên tham dự, góp phần củng cố thống nhất nhận thức, hành động trong vận hành chính quyền địa phương hai cấp ở Thủ đô. Ngoài ra, 100% Đảng ủy, UBND xã, phường đã ban hành quy chế làm việc, bảo đảm hoạt động không gián đoạn.
Đáng chú ý, công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số được đẩy mạnh, bảo đảm thông suốt với gần 67.000 hồ sơ hành chính được tiếp nhận trong 15 ngày đầu; các đại lý dịch vụ công tại 476 điểm giúp người dân giải quyết nhanh gọn 61 thủ tục thiết yếu...
Đánh giá về hoạt động của chính quyền các xã, phường ở Thủ đô từ ngày 1-7-2025 đến nay, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, chính quyền các địa phương đã kịp thời phối hợp, xử lý hiệu quả các khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn; thể hiện rõ tinh thần gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân một cách hiệu quả, không để xảy ra gián đoạn trong thực thi nhiệm vụ.
Rõ ràng, vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp xã, phường trong mô hình chính quyền mới là đặc biệt quan trọng. Do đó, ngoài tập trung hoàn thành việc kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự cấp xã, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo từ nay đến hết tháng 10-2025 sẽ tập trung cao điểm triển khai công tác tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức xã, phường, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn vận hành chính quyền địa phương 2 cấp.
Một mặt quan tâm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, thành phố cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính và trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là tại xã, phường. Thành phố đặc biệt lưu ý đội ngũ cán bộ cấp cơ sở chủ động kiểm tra, giám sát thường xuyên và đột xuất tình hình quản lý đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị và vệ sinh môi trường; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, không để phát sinh điểm nóng hoặc kéo dài gây bức xúc trong dư luận xã hội...
3. Bác Hồ đã dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Vì lẽ đó, việc nâng “chất” cho đội ngũ cán bộ cơ sở phải là việc làm thường xuyên, liên tục của các cấp ủy, chính quyền nhằm đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới.
Tổng Bí thư Tô Lâm, khi đề cập công tác cán bộ trong phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ mười hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, đã nhấn mạnh: “Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, bên cạnh chủ trương quan tâm bồi dưỡng cán bộ cấp chiến lược thì còn phải đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở vững mạnh, đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ, lựa chọn những cán bộ bảo đảm tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực thực tiễn, tư duy đổi mới, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, gắn bó với nhân dân, có tầm nhìn phát triển để đưa vào những vị trí chủ chốt”.
Chính quyền các xã, phường, đặc khu trong cả nước đã đi qua những ngày đầu tiên với không ít khó khăn, thách thức. Nhưng trên hết, Trung ương và chính quyền các tỉnh, thành phố đã sắp xếp đội ngũ cán bộ cơ sở chỉnh tề, trên quan điểm vì việc tìm người. Đây là bước đột phá về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, thể hiện quyết tâm cao của Đảng trong việc thiết lập thiết chế quản trị hiện đại, liêm chính, tinh gọn, hướng tới người dân. Điều kiện quan trọng này là cơ sở để chúng ta tự tin, tiếp tục chung sức, đồng lòng chuyển sang trạng thái “Hàng thẳng, lối thông, đồng lòng cùng tiến” vươn tới tương lai.
Các tầng lớp nhân dân ủng hộ rất mạnh mẽ, đặt niềm tin sâu sắc vào bộ máy chính quyền mới sẽ góp phần quan trọng đưa đất nước tiến bước vững chắc trong kỷ nguyên mới. Để không phụ niềm mong đợi và sự tin tưởng đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là ở cấp xã, nơi gần dân nhất, cần không ngừng trau dồi chuyên môn, bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng để hoàn thành sứ mệnh cao cả mà Đảng và nhân dân đã tin tưởng giao phó.
Quốc Tuấn (Theo Báo Hà Nội mới)