Tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong toàn hệ thống chính trị
Kế hoạch số 350-KH/TU được ban hành nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 66-NQ/TW, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị Thủ đô đối với công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Thành phố xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, xuyên suốt và thường xuyên.
Hà Nội yêu cầu triển khai khẩn trương, quyết liệt, đo lường được hiệu quả. Mỗi nhiệm vụ phải có phân công rõ ràng, gắn với trách nhiệm cá nhân và tập thể; đồng thời chú trọng tháo gỡ các mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập trong quy định pháp luật. Việc rà soát, hoàn thiện thể chế phải đặt trong tổng thể cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao hiệu lực thực thi.
Thành phố đặt trọng tâm vào phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật; đổi mới tư duy pháp lý theo hướng tôn trọng quyền con người, quyền công dân, thúc đẩy sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội; gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thi hành pháp luật, khắc phục tình trạng “pháp luật trên giấy”.
Triển khai đồng bộ, toàn diện 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp then chốt
Kế hoạch đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp toàn diện. Một là, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật, phát huy cao độ tính Đảng trong xây dựng và thi hành pháp luật. Các cấp ủy phải lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác thể chế hóa chủ trương của Đảng thành pháp luật; cán bộ, đảng viên phải nêu gương trong chấp hành pháp luật. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm chính về chất lượng pháp luật thuộc phạm vi phụ trách.
Hai là, đổi mới tư duy, định hướng xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực phát triển. Hà Nội chủ trương từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, xây dựng pháp luật trên cơ sở thực tiễn, phù hợp với yêu cầu phát triển và hội nhập. Các quy định phải rõ ràng, ổn định, dễ thực hiện, đảm bảo quyền tự do kinh doanh, quyền tài sản và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Đặc biệt, thành phố sẽ tập trung xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thủ đô 2024, pháp luật về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, các cơ chế thử nghiệm chính sách mới.
Ba là, tạo đột phá trong công tác thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực và hiệu quả; gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thi hành pháp luật. Hà Nội sẽ siết chặt kỷ cương, nâng cao năng lực cán bộ pháp chế, phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Đa dạng hóa hình thức truyền thông pháp luật, đẩy mạnh giáo dục pháp luật trên môi trường số, bảo đảm mọi chính sách mới đều được truyền đạt tới người dân và doanh nghiệp một cách hiệu quả.
Bốn là, nâng cao hiệu quả công tác hợp tác quốc tế về pháp luật. Thành phố sẽ mở rộng mạng lưới chuyên gia pháp lý quốc tế để phục vụ công tác nghiên cứu, tư vấn, hỗ trợ xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình phát triển, đặc biệt trong các lĩnh vực trọng điểm như khoa học, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Năm là, xây dựng giải pháp đột phá nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật. Hà Nội sẽ triển khai các cơ chế đặc thù để thu hút chuyên gia, nhà khoa học, luật sư giỏi; đồng thời mở rộng ngành đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ tư pháp và pháp chế, bảo đảm đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.
Sáu là, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Thành phố ưu tiên đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, dữ liệu lớn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ hoạt động pháp luật, góp phần nâng cao tính minh bạch, công khai và khả năng tiếp cận của người dân.
Bảy là, thực hiện cơ chế tài chính đặc biệt cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Hà Nội cam kết dành tối thiểu 0,5% tổng chi ngân sách thường xuyên cho công tác pháp luật và tăng dần theo yêu cầu thực tiễn. Đồng thời, thành phố nghiên cứu cơ chế khoán chi theo sản phẩm, gắn với trách nhiệm và hiệu quả thực thi của từng cơ quan, cá nhân.
Việc triển khai nghiêm túc, quyết liệt và đồng bộ Kế hoạch số 350-KH/TU thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW sẽ tạo động lực quan trọng để Hà Nội nâng cao chất lượng công tác xây dựng và thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật thực sự trở thành công cụ quản lý hiệu lực, hiệu quả và là nền tảng cho sự phát triển bền vững. Với tinh thần đổi mới, chủ động, sáng tạo, thành phố quyết tâm phát huy vai trò tiên phong trong hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực tổ chức thi hành pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực chất, vì dân, do dân và vì sự phát triển của Thủ đô trong thời đại chuyển đổi số và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Minh Huy (theo Cổng TTĐT Thành ủy Hà Nội)