Phú Lương là một vùng đất yên bình với nhiều giá trị tinh thần, đối với mỗi người dân Phú Lương, đi lễ chùa là nét văn hóa truyền thống được hình thành từ lâu, góp phần tạo nên bức tranh đa sắc trong nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Qua đó không chỉ thể hiện khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc, no đủ mà còn là dịp để vun đắp cho tinh thần người dân Phú Lương thêm yêu và trân trọng những giá trị cội nguồn. Về nơi cửa Phật, giữa không gian thanh tịnh, hương trầm lan tỏa hòa cùng sắc màu của đèn hoa, mới thấy lòng mình lắng lại, thanh thản và nhẹ nhàng hơn.
Không ai biết ngôi chùa đầu tiên được dựng ở đâu, vào thời gian nào, nhưng cứ nói đến Phú Lương, không ai là không biết đến chùa Chúc Thánh hay còn gọi là chùa Nhân Trạch.
Chùa Chúc Thánh - Phường Phú Lương
Chùa được làm theo hướng Nam, nguyên úy của chùa thiết kế theo kiểu nội công ngoại quốc. Chùa Chúc Thánh được xây dựng trước nhà Mạc, bởi căn cứ vào tấm bia có niên đại Đoan Thái tức là Mạc Mậu Hợp 1586, bia có ghi những người có công đóng góp vào việc trùng tu chùa.
Trước đây do chiến tranh tàn phá, nên ngôi chùa đã bị tan nát, nhiều viên gạch Vồ tiêu biểu của thế kỷ XVI đã không còn. Hiện nay, Chùa còn lưu giữ được 20 viên gạch Vồ, với đề tài trang trí trạm nổi hình rồng, hổ, hoa lá... rất tiêu biểu và đặc sắc.
Chùa Chúc Thánh đáng được quan tâm là 6 pho tượng từ pho thứ nhất đến pho thứ 6 có niên đại từ cuối thế kỷ XVI sang thế kỷ XVII.
Ngoài ra, Chùa còn có 12 cây bia, trong đó có 01 bia vuông, bia Đức Nguyên 1675 có mái liền khối đá với thân. Những bia tạc đó chủ yếu ở nước ta vào khoảng thế kỷ XVII. Tuy nhiên tấm bia ở đây riêng chán bia kết tinh hình trái dành nhiều múi, mái khum có sống nổi lên ở bốn góc, phần mái "dọt gianh" nhỏ khiến cho thân bia như được lộ hơn nhiều, bia được trạm khắc khá kĩ rồng phượng hoa lá, phía dưới các chân hoa cúc, đôi cá chầu hoa sen bằng một hiện tượng khá hiếm thấy nghệ thuật tạo hình ở Việt Nam.
Đặc biệt chùa có một quả chuông đúc vào năm Cảnh Thịnh thứ VIII (1793 - 1801), có 7 vị tước hầu, trong đó có 3 ông đô đốc công đức đúc chuông làm chùa. Đây là một dữ kiện lịch sử cho phép chúng ta hiểu, đồng thời chùa có mối quan hệ trong cuộc kháng chiến chống quân Thanh cuối thế kỷ XVIII. Trong chùa còn bảo lưu được nhiều di vật quí ở thế kỷ XVI – XVII và nhất là thế kỷ XVIII giai đoạn thời Tây Sơn.
Với những nét đặc sắc, tiêu biểu trên, năm 1986 chùa được Bộ Văn hóa xếp hạng tại Quyết định số 25-BVH/QĐ ngày 03/02/1986 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa.
Ngày 11/5/2020, thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Chúc Thánh, khi đó dưới độ sâu của nền móng nhà Tam Bảo khoảng 1m, tiểu ban QLDT đã phát hiện có 08 hiện vật dạng bình vôi, tiểu ban đã báo cáo UBND phường kiểm tra, bảo quản và đề nghị cơ quan chuyên môn về đánh giá, thẩm định.
Ngày 14/5/2020, Bảo tàng Hà Nội cùng chuyên gia về thẩm định và kết luận 08 hiện vật trên có niên đại từ thời Mạc, thế kỷ XVI-XVII.
Ngày 08/9/2020, UBND phường Phú Lương cùng tiểu ban QLDT khu dân cư Nhân Trạch tổ chức bàn giao các cổ vật trên cho Bảo tàng Hà Nội lưu giữ, bảo quản; ngoài ra, còn bàn giao cho Bảo tàng Hà Nội thêm 05 viên gạch Vồ thời Mạc; một số viên còn lại vẫn đang được bảo tồn tại Chùa Chúc Thánh - khu dân cư Nhân Trạch. Tiểu ban QLDT khu dân cư Nhân Trạch nói chung và Chùa Chúc Thánh nói riêng đã được Bảo tàng Hà Nội trao tặng Chứng nhận hiến tặng tài liệu, hiện vật cho Bảo tàng Hà Nội.
Cuộc sống ngày càng hiện đại, văn minh nhưng nét đẹp văn hóa đi lễ chùa vẫn luôn được người dân lưu giữ. Không biết từ bao giờ, con người hướng tâm hồn vào nơi cửa Phật, tới giáo lý nhà Phật.
Ngôi chùa trong quá khứ hay hiện tại đều là những thực thể sống động mà ở đó, mỗi người có thể tự tìm và hiểu thêm về những ẩn sâu chất chứa trong bản sắc văn hóa Việt Nam.
Trung tâm VH-TT&TT Phường Phú Lương