Định hướng mục tiêu rõ ràng, hành động đồng bộ từ cơ sở
Theo Kế hoạch số 187/KH-UBND ban hành ngày 15/7, Hà Nội xác định triển khai đồng bộ ba nhóm giải pháp "giảm cung", "giảm cầu", "giảm tác hại" ma túy với quan điểm nhất quán: lấy cơ sở là trọng tâm, phát huy sức mạnh toàn hệ thống chính trị và nhân dân trong cuộc chiến phòng, chống ma túy.
Mục tiêu đến năm 2030: Giảm người nghiện hằng năm; 50% xã, phường không ma túy. 100% điểm tổ chức, diện tích trồng cây ma túy bị phát hiện, triệt phá. 80% lực lượng chuyên trách được trang bị hiện đại. Tăng vụ bắt giữ ma túy có tổ chức, xuyên quốc gia, lợi dụng không gian mạng. 100% cơ sở y tế cấp xã đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện. 80% cơ quan báo chí có chuyên mục về ma túy. 100% trường học, 70% lao động được tuyên truyền. 100% người đủ điều kiện được trợ giúp pháp lý. 90% người nghiện, sau cai được hỗ trợ y tế, tâm lý.
Chương trình được triển khai thống nhất từ cấp xã tới cấp Thành phố, bắt đầu từ năm 2025 đến hết năm 2030.
Chín nhóm nhiệm vụ trọng tâm và phân công cụ thể
Kế tập trung triển khai 9 nhóm nội dung, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Chương trình gồm: Công tác tham mưu, chỉ đạo triển khai: Quán triệt các nghị quyết, xử lý trách nhiệm cán bộ để xảy ra tình trạng nghiện. Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước: Kiện toàn Ban Chỉ đạo, tổng điều tra định kỳ, hỗ trợ người sau cai tái hòa nhập. Tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy: Đổi mới nội dung, hình thức; truyền thông đến từng gia đình; xây dựng mô hình tiên tiến. Quản lý, cai nghiện và sau cai: Rà soát, phân loại người nghiện; đầu tư hạ tầng, nhân lực; đẩy mạnh xã hội hóa. Phòng, chống tội phạm ma túy: Triệt phá đường dây lớn; điều tra đúng người, đúng tội; kiểm soát ngành nghề nhạy cảm. Hợp tác quốc tế: Triệt phá đường dây xuyên quốc gia; trao đổi kinh nghiệm; thực hiện công ước, hiệp định quốc tế. Ứng dụng công nghệ: Quản lý bằng phần mềm, hệ thống cơ sở dữ liệu; đào tạo trực tuyến. Tăng cường nguồn lực: Ưu tiên ngân sách; trang bị kỹ thuật hiện đại; hỗ trợ lực lượng trực tiếp phòng, chống. Giám sát, đánh giá: Kiểm tra định kỳ, đột xuất; kịp thời kiến nghị khắc phục thiếu sót.
Phân công nhiệm vụ được xác định cụ thể. Công an Thành phố là cơ quan thường trực chương trình, chủ trì nhiều dự án lớn như điều tra, kiểm soát ma túy, quản lý cơ sở cai nghiện, phối hợp truyền thông và kiểm tra giám sát.
Sở Y tế tổ chức điều trị bằng Methadone, xác định tình trạng nghiện, kiểm soát thuốc gây nghiện, chủ trì Dự án 6 về tăng cường đáp ứng y tế. Sở Tư pháp đẩy mạnh phổ biến pháp luật, lồng ghép nội dung tuyên truyền trên hệ thống thông tin pháp luật. Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch hướng dẫn báo chí tuyên truyền, lồng ghép nội dung phòng, chống ma túy vào các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch.
Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì giáo dục phòng, chống ma túy trong trường học. Sở Nông nghiệp và Môi trường tăng cường tuyên truyền pháp luật về cấm trồng cây chứa chất ma túy. Sở Công Thương phối hợp kiểm soát tiền chất và các sản phẩm có khả năng bị lợi dụng làm chất gây nghiện. Sở Tài chính tham mưu bố trí ngân sách triển khai chương trình theo đề xuất của các sở, ngành.
Huy động toàn dân tham gia, gắn kết với nhiệm vụ phát triển
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và các tổ chức thành viên được đề nghị tăng cường công tác phối hợp, hướng dẫn tổ chức các hoạt động và phát động phong trào "Toàn dân tham gia phòng, chống ma túy"; gắn kết hiệu quả trong việc thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Dự án 7-Tiểu dự án 4: "Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy cho công nhân lao động các khu công nghiệp".
UBND các xã, phường có trách nhiệm cụ thể hóa nội dung của Kế hoạch vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, bảo đảm nguồn lực để triển khai theo phân cấp ngân sách hiện hành. Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm trước Thành phố về tình hình tội phạm ma túy tại địa phương; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, thực hiện nghiêm trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Quốc Tuấn (Theo Báo DDT Thành ủy HN)